Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là liệu trình hoàn lại tối đa chức năng cơ thể bằng biện pháp nội khoa, hoàn toàn không xâm lấn. Trong y học, phục hồi chức năng và vật lý trị liệu được áp dụng cho nhiều chuyên khoa với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, vật lý trị liệu phổ biến nhất ở chuyên khoa cơ xương khớp, giúp người bệnh rút ngắn thời gian hồi phục và cải thiện khả năng hoạt động sau tai nạn, phẫu thuật.
Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là gì?
1. Phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng được đánh giá là một lĩnh vực quan trọng trong y khoa. Là một quá trình thăm khám, đánh giá và hồi phục chức năng cho người bệnh. Những nguyên nhân khiến người bệnh mất hoặc suy giảm chức năng hoạt động cơ thể rất đa dạng. Có thể là dị tật bẩm sinh, biến chứng của bệnh lý nặng, tai nạn đột ngột,…
Phục hồi chức năng đóng vai trò ngăn ngừa các thương tật thứ cấp, đồng thời tăng cường khả năng hoạt động phần lành lặn còn lại cho người bệnh, hạn chế khả năng tàn tật cho người bệnh. Cuối cùng, giúp người bệnh có thể hòa nhập hay tái hòa nhập cộng đồng.
– Có 3 hình thức phục hồi chức năng gồm:
- Phục hồi tại viện
- Phục hồi ngoại viện
- Phục hồi tại cộng đồng.
Trong đó, phục hồi tại viện được đánh giá đem lại hiệu quả cao, do người bệnh được trải qua quá trình điều trị chuyên sâu, đầy đủ với những máy móc và trang thiết bị tại bệnh viện.
– Những hình thức phục hồi chức năng phổ biến là:
- Phục hồi chức năng sau chấn thương chỉnh hình
- Phục hồi chức năng cho người đột quỵ có thể tự sinh hoạt
- Phục hồi chức năng tim cho người bệnh không bị cản trở trong các hoạt động mạnh
- Phục hồi chức năng phổi
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp thuộc lĩnh vực phục hồi chức năng. Đây là phương pháp điều trị nội khoa không xâm lấn, giúp rút ngắn thời gian phục hồi bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị. Đối với điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, vật lý trị liệu giúp người bệnh hạn chế được tình trạng mất cơ, teo cơ do bất động chi trong thời gian dài. Do vật, các bác sĩ luôn ưu tiên kết hợp vật lý trị liệu song song với một phương pháp điều trị khác để phác đồ điều trị được diễn ra tối ưu nhất.
Hiện nay, vật lý trị liệu có 2 hình thức:
- Tác nhân vật lý: Sử dụng các máy móc chuyên biệt, dùng sóng âm, nhiệt hoặc kích thích điện để thúc đẩy quá trình tái tạo mô tổn thương cho người bệnh. Ngoài ra, tác nhân vật lý còn giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau hiệu quả
- Vận động trị liệu: Là phương pháp cải thiện khả năng đi lại, giữ thăng bằng của người bệnh bằng áp dụng các bài tập vận động phục hồi cơ lực và tầm vận động của khớp
Điểm khác nhau của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
1. Mục tiêu điều trị
Mục tiêu điều trị của vật lý trị liệu & phục hồi chức năng là như nhau. Vì vật lý trị liệu là một hình thức thuộc phục hồi chức năng. Cả hai đều hướng đến việc giúp người bệnh có thể phục hồi lại tối đa khả năng hoạt động của cơ thể. Hạn chế được những thương tật thứ cấp có thể xảy ra như: Teo cơ ở người bị liệt 2 chi dưới hoặc yếu cơ ở người bệnh.
2. Vai trò
Phục hồi chức năng đóng vai trò giúp hoàn lại cho người bệnh tối đa khả năng vận động để họ có thể tự chủ động trong các hoạt động hằng ngày như chăm sóc bản thân, đi lại. Vai trò của phục hồi chức năng mang tinh cộng đồng cao, vì hoạt động y khoa giúp cho người bệnh có cơ hội được bình đẳng và tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ đó, hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực của người bệnh về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Trong khi đó, vật lý trị liệu chủ yếu là giúp cho người bệnh giữ được khối lượng cơ bắp trong thời gian điều trị. Những bài tập hoặc áp dụng các tác nhân vật lý giúp thúc đẩy quá trình hồi phục phần mô tổn thương được diễn ra nhanh hơn. Và việc giữ và tăng tiến sức mạnh cơ bắp giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.giúp người tàn tật tái hòa nhập cộng đồng
>> Tìm hiểu thêm: Top 8 bệnh cơ xương khớp thường gặp
>> Tìm hiểu thêm: Giảm nhức mỏi tay chân khi thời tiết giao mùa
3. Hình thức thực hiện
Phục hồi chức năng được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ, bao gồm thăm khám, đánh giá khả năng hồi phục và chỉ định hình thức hồi phục cho người bệnh, Người bệnh có các lựa chọn về hình thức phục hồi chức năng gồm:
- Phục hồi tại viện: Phục hồi chức năng tại bệnh viện/trung tâm trị liệu với các máy móc và thiết bị chuyên dụng
- Phục hồi ngoại viện: Các kỹ thuật viên phục hồi chức năng sẽ đến nơi ở của người bệnh để thực hiện trị liệu
- Phục hồi cộng đồng: Phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi. Người bệnh được đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vui chơi, học hành, lao động và hội nhập xã hội
Sau khi được chỉ định phục hồi chức năng bằng hình thức vật lý trị liệu, các bác sĩ sẽ trao đổi với kỹ thuật viên về tình trạng sức khỏe và mục tiêu điều trị của người bệnh. Dựa vào những thông tin này, kỹ thuật viên sẽ sắp xếp cho người bệnh một giáo án cụ thể gồm những bài tập phù hợp.
Có thể thực hiện kết hợp tác nhân vật lý và vận động trị liệu nếu cần thiết. Kỹ thuật viên sẽ là người giám sát và theo dõi người bệnh trong quá trình trị liệu, cũng như đánh giá hiệu quả điều trị và khả năng phục hồi của người bệnh.
4. Ai cần thực hiện vật lý trị liệu phục hồi chức năng?
Đối tượng cần thực hiện vật lý trị liệu & phục hồi chức năng là những người bị chấn thương do tai nạn hoặc các dị tật bẩm sinh làm suy yếu hoặc mất tạm thời khả năng hoạt động.
Ngoài ra, người sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cũng cần thực hiện vật lý trị liệu & phục hồi chức năng để ngăn ngừa tình trạng mất cơ thường gặp. Nhất là đối với người là vận động viên, vật lý trị liệu & phục hồi chức năng giúp người bệnh có thể hồi phục cơ quan tổn thương trong thời gian ngắn với sức mạnh tương đương lúc khỏe mạnh.
5. Có thể thực hiện vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại nhà được không?
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng có thể được thực hiện tại nhà nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh phù hợp để thực hiện phục hồi ngoại viện.
Hình thức phục hồi chức năng ngoại viện tạo điều kiện cho những người bệnh ở xa, không tiện đi lại trung tâm trị liệu/bệnh viện. Kỹ thuật viên sẽ đến nhà người bệnh cùng với những máy móc cần thiết cho việc điều trị. Tuy nhiên, đây cũng là điểm hạn chế của hình thức này.
Vì một số máy móc cồng kềnh sẽ không thể di chuyển đực, và kỹ thuật viên sẽ tìm một phương pháp thay thế, có thể sẽ không đạt hiệu quả cao bằng.
Hơn hết, vật lý trị liệu & phục hồi chức năng nhằm mục đích giúp người bệnh có thể hồi phục được khả năng đi lại, tự thực hiện những hoạt động hằng ngày. Vì vậy, việc thực hiện phục hồi chức năng tại nhà là hoàn toàn có thể. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn nếu bạn và gia đình có nhu cầu phục hồi chức năng ngoại viện để được chỉ định hình thức điều trị phù hợp nhất.
6. Những rủi ro có thể mắc phải khi thực hiện vật lý trị liệu & phục hồi chức năng
Rủi ro có thể mắc phải khi thực hiện vật lý trị liệu & phục hồi chức năng thường gặp là áp dụng bài tập không phù hợp, dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Điều này thường xảy ra ở những người chọn tập vận động trị liệu tại nhà, không có sự giám sát của kỹ thuật viên. Những bài tập sai không chỉ không đem lại hiệu quả điều trị mà còn làm tình trạng tổn thương của người bệnh nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, dù lựa chọn hình thức phục hồi chức năng nào, tình trạng có nặng hay không, người bệnh cũng cần phải tham vấn ý kiến của bác sĩ và kỹ thuật viên về các bài tập vật lý trị liệu của mình. Tốt nhất vẫn nên thực hiện dưới sự giám sát của kỹ thuật viên để được hỗ trợ ngay lập tức khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra.
7. Bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn được không?
Khả năng hồi phục hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra việc mất/suy yếu khả năng hoạt động của người bệnh.
Những trường hợp bệnh nhẹ, hoặc phục hồi chức năng sau phẫu thuật (phẫu thuật nối dây chằng, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật kết hợp xương,…) đều có thể phục hồi được hoàn toàn.
Tuy nhiên, những trường hợp bệnh như dị tật bẩm sinh, người bị liệt chi, người bị tai biến sau đột quỵ, hoặc người mắc các bệnh mạn tính,… Đây là những tình trạng không có khả năng phục hồi hoàn toàn. Vật lý trị liệu & phục hồi chức năng ở đâu sẽ đóng vai trò ngăn ngừa những biến chứng thứ cấp có thể xảy ra. Hỗ trợ người bệnh lấy lại tối đa phần khả năng còn lại để có thể tiếp tục sinh hoạt và hòa nhập với xã hội mà không cần đến sự hỗ trợ từ người khác.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng là một phần quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại được khả năng hoạt động với sức mạnh ban đầu, trở lại với cuộc sống bình thường. Người bệnh nên thực hiện vật lý trị liệu & phục hồi chức năng theo giáo án được chỉ định bởi kỹ thuật viên và bác sĩ để đảm bảo được mức độ an toàn trong điều trị, nâng cao khả năng hồi phục.