Chuẩn đoán viêm khớp dạng thấp (phần 1)

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý khớp viêm mạn tính với cơ chế tự miễn dịch, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể gây viêm (sưng, đau). Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở màng hoạt dịch khớp, tổn thương này có thể kéo dài gây viêm mạn tính, xen kẽ các đợt cấp tính và có thể dẫn đến biến dạng khớp, hủy khớp.

1. Khái niệm viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khớp tự miễn mạn tính, với tổn thương cơ bản bắt đầu ở màng hoạt dịch của khớp. Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn ở nam, độ tuổi trung niên.

Viêm khớp dạng thấp ở bàn tay

Bệnh có tổn thương tại khớp và ngoài khớp trên nhiều cơ quan như phổi, tim, mắt, thần kinh… Bệnh có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời và đúng phác đồ.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp hiện chưa rõ ràng. Cho tới nay các nhà khoa học vẫn nhận định đây là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố như  nhiễm  khuẩn hoặc di truyền.

Kháng nguyên là các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, kích hoạt hệ miễn dịch bắt đầu phản ứng. Trong phản ứng miễn dịch khớp, tế bào lympho T đóng vai trò then chốt.

Sau khi tiếp xúc với kháng nguyên, tế bào lympho T sẽ tập trung ở khớp bị ảnh hưởng và giải phóng ra các cytokine. Cytokine là các phân tử tín hiệu hóa học truyền thông tin giữa các tế bào. Các cytokine do tế bào lympho T giải phóng có thể tác động lên các tế bào khác trong khớp, bao gồm:

  • Tế bào lympho B: Cytokine kích thích tế bào lympho B sản xuất ra các globulin miễn dịch. Các globulin miễn dịch này sẽ liên kết với kháng nguyên và tạo thành các phức hợp miễn dịch. Các phức hợp miễn dịch lắng đọng ở khớp và gây tổn thương khớp.
  • Đại thực bào: Cytokine kích hoạt đại thực bào sản xuất ra các cytokine khác. Các cytokine này có thể gây viêm khớp và kích thích các tế bào khác trong khớp tăng sinh.
  • Tế bào nội mô mạch máu màng hoạt dịch: Cytokine hoạt hóa tế bào nội mô mạch máu màng hoạt dịch sản xuất ra các phân tử kết dính. Các phân tử kết dính này thu hút các tế bào viêm đến khớp.
  • Các tế bào viêm này cũng giải phóng ra các cytokine, tạo nên vòng xoắn bệnh lý. Vòng xoắn này dẫn đến các tổn thương bào mòn xương và hủy khớp, dẫn đến dính và biến dạng khớp.

Tóm lại, tế bào lympho T đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch khớp. Tế bào lympho T giải phóng ra các cytokine, kích hoạt các tế bào khác trong khớp và gây ra các tổn thương khớp.

3. Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

3.1. Lâm sàng.

3.1.1. Triệu chứng cơ năng

– Đau, sưng khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa đặc biệt là ở các khớp nhỏ và nhỡ. Thường đau sưng khớp liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và gần sáng, nghỉ ngơi không đỡ đau.

Sưng đỏ khớp là triệu chứng cần lưu ý

– Tình trạng cứng khớp buổi sáng: thường kéo dài trên 1 giờ

– Mệt mỏi, suy nhược do viêm khớp kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể không sốt hoặc sốt nhẹ trong đợt tiến triển bệnh.

3.1.2. Triệu chứng thấy rõ

– Sưng, đau, nóng tại các khớp, ít khi tấy đỏ. Sưng có thể là do sưng phần mềm hoặc do tràn dịch khớp. Thường viêm khớp nhỏ, có tính chất đối xứng, kéo dài vài tuần đến vài tháng. Các khớp viêm hay gặp như: cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân. Nếu bệnh nhân có viêm cột sống cổ thường là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh, có thể xuất hiện bán trật khớp đội trục gây chèn ép tủy cổ.

– Nếu không được điều trị sớm, đầy đủ, ngui bệnh sẽ bị dính và biến dạng các khớp viêm do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng từ đó gây bán trật khớp, tàn phế. Các kiểu biến dạng thường gặp gồm có: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò, hội chứng đường hầm cổ tay…

3.1.3. Triệu chứng ngoài khớp

– Hạt thấp dưới da: tỉ lệ gặp 10-15%, thường ở dưới da vùng tỳ đè như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm, gân Achilles. Hay gặp ở người viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh, thể huyết thanh dương tính. Tuy nhiên thấy người bệnh viêm khớp dạng thấp ở Việt Nam ít có hạt thấp dưới da. Đặc điểm những hạt này có mật độ chắc, thường gắn dính với màng xương hoặc gân nên ít di động, kích thước từ vài mm đến 2 cm, đứng thành từng đám.

Dấu hiệu các hạt dưới da

Tổn thương mắt: Thường viêm khô kết mạc, một phần trong hội chứng Sjogren. Có thể viêm củng mạc và nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng

– Tổn thương phổi: Nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn đường hô hấp do viêm khớp nhẫn giáp, viêm phổi (thể bệnh nặng), viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi cũng có thể gặp

– Tổn thương tim mạch: Viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm van tim, loạn nhịp tim, nhiễm bột và viêm mạch.

– Hội chứng Felty: Giảm bạch cầu hạt, lách to, nhiễm khuẩn tái phát, hội chứng Sjogren, thường là biểu hiện toàn thân, đang tiến triển.

– Hiếm gặp tổn thương thần kinh ngoại biên và trung ương .

3.2. Cận lâm sàng.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây viêm khớp và các tổn thương khác ở cơ thể. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm và thăm dò chẩn đoán hình ảnh.

  • Các xét nghiệm:

– Thiếu máu: Thiếu máu có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp kéo dài, mãn tính. Thiếu máu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở.

– Tăng tốc độ máu lắng và CRP: Tốc độ máu lắng và CRP là các xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể. Tăng tốc độ máu lắng và CRP có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

– Yếu tố dạng thấp (RF): RF là một kháng thể tự miễn được tìm thấy ở khoảng 50-75% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, RF cũng có thể gặp ở một số bệnh lý khác, bao gồm viêm khớp dạng thấp thể thiếu máu, viêm khớp dạng thấp thể trẻ em, viêm khớp vảy nến,…

– Kháng thể kháng CCP (anti-CCP): Anti-CCP là một kháng thể tự miễn có độ đặc hiệu cao đối với viêm khớp dạng thấp (98%). Anti-CCP dương tính có thể giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp sớm, đặc biệt ở những bệnh nhân chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.

  • Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh:

Chụp X-quang khớp cổ tay: Chụp X-quang khớp cổ tay có thể giúp đánh giá giai đoạn bệnh viêm khớp dạng thấp theo tiêu chuẩn của tác giả Steinbroker. Theo tiêu chuẩn này, viêm khớp dạng thấp được chia thành 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: chưa thấy thay đổi trên X-quang

– Giai đoạn 2: đã có biến đổi một phần trên đầu xương, sụn khớp. Bắt đầu có hình bào mòn, hẹp khe khớp.

– Giai đoạn 3: tổn thương nhiều ở đầu xương, sụn khớp, dính khớp một phần.

– Giai đoạn 4: dính khớp hoàn toàn và gây biến dạng khớp trầm trọng.

Siêu âm khớp: Siêu âm khớp có thể giúp đánh giá tràn dịch khớp, viêm màng hoạt dịch, bào mòn xương, đánh giá tình trạng tưới máu bằng siêu âm Doppler. Siêu âm khớp có thể được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp xác định sớm hơn tổn thương bào mòn khớp so với X-quang. MRI có thể được sử dụng để chẩn đoán sớm bệnh viêm khớp dạng thấp, đánh giá được tình trạng tràn dịch khớp, viêm màng hoạt dịch, có thể dùng trong theo dõi tiến triển bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *